Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Địa chỉ đỏ - Đình Cầu Sơn, một điểm Về nguồn

                    • MINH HOÀNG

           Trong quá trình chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, nhiều thế hệ người dân Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây đã tạo nên những trang sử vẻ vang và chiến tích oai hùng. Đặc biệt, trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân, đế quốc đã có những ngôi nhà, mái đình trở thành chiến lũy, pháo đài chng giặc và được công nhận là “Địa ch đỏ”. Trong số hằng trăm “Địa chỉ đỏ” được công nhận trên địa bàn quận Bình Thạnh có ngôi đình Cầu Sơn.

Ngược dòng thời gian, hơn ba trăm năm trước, vùng đất mang địa danh Cầu Sơn nằm cạnh sông Sài Gòn, giao thông đường thủy thuận lợi nên các lưu dân miền ngoài vào đã chọn nơi đây làm nơi an cư, khẩn hoang lập ấp, xây dựng đình làm nơi thờ thành hoàng và làm địa điểm sinh hoạt làng xã. Dưới thời thực dân Pháp cai trị, nơi ngôi đình tọa lạc có vị trí quan trọng nên chúng chiếm giữ để xây dựng kho xăng dầu. Vì thế vào năm 1936, cư dân quyết định dời ngôi đình Cầu Sơn (còn gọi là Đình Cây Dương) về địa điểm mới, tại vị trí hiện nay (số 281/1 đường viết Nghệ Tĩnh, Phường 26) trong một khuôn viên rộng hơn 200m2.

Đình Cầu Sơn không chỉ là cơ sở văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Thạnh Mỹ Tây xưa và Bình Thạnh ngày nay mà còn là một di tích cách mạng, biểu trưng cho tinh thần yêu nước của cư dân nơi đây.


Đình Cầu Sơn
Đình Cầu Sơn

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngôi đình Cầu Sơn có nhiều đóng góp cho cách mạng. Tháng Tám năm 1945, trước ngày tổng khởi nghĩa, tổ chức Thanh niên Tiền phong được ra đời tại đây và cũng là nơi đóng sở chỉ huy của Đội Thanh niên Tiền phong vùng Thị Nghè đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của thủ lĩnh Nguyễn Bân - Thư ký hãng mỡ Guyonnet. Tổ chức Thanh niên Tiền phong đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, mặt trận cầu Thị Nghè được thành lập và đình Cầu Sơn cũng được chọn làm sở chỉ huy và kho hậu cần tiếp tế cho lực lượng kháng chiến. Các đội viên Thanh niên Tiền phong với vũ khí thô sơ sát cánh cùng với Nhân dân chiến đấu anh dũng ngoan cường, tiêu diệt hàng trăm tên xâm lược, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của quân giặc. Cũng chính từ sức kháng cự mãnh liệt của mặt trận Thị Nghè đã làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch, tạo điều kiện cho các nơi khác có thời gian chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đình Cầu Sơn còn là nơi bí mật đưa đón thanh niên thoát ly gia đình ra vùng căn cứ kháng chiến và là địa điểm tập kết của Phân đội 15, Chi đội 6 xuất phát làm nhiệm vụ diệt tề, trừ gian trên địa bàn Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây.

Bước vào giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đình Cầu Sơn tiếp tục là nơi nuôi giấu cán bộ, đặc biệt trong đợt I và II tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, đình Cầu Sơn là địa điểm tập kết và ém quân, nơi chứa lương thực, cứu chữa thương binh. Nổi bật là các trận đánh ở Thị Nghè, cầu Băng Ky, đồng Ông Cộ Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975, đình Cầu Sơn là nơi phân phát vải may cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cũng nơi cắm cờ sớm nhất để đón chào quân giải phóng tiến vào tiếp quản thành phố. Những ngày đầu giải phóng ngôi đình là địa điểm thu gom vũ khí, tổ chức đăng ký cho sĩ quan, binh lính chế độ cũ trình diện trước khi về với gia đình. Trước đây, ngôi đình có lưu giữ các hiện vật liên quan đến cuộc kháng chiến và hiện nay được chuyển về trưng bày tại Nhà truyền thống quận.

Từ những đóng góp có giá trị nổi bật vừa nêu, ngôi đình được UBND Thành phố Hồ Chí Minh công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố theo Quyết định số 117/2005/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2005. Suốt nhiều năm qua, đình Cầu Sơn là nơi về nguồn của các thế hệ trẻ. Đồng thời cũng là nơi đông đảo du khách trong, ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu một giai đoạn lịch sử cách mạng của Nhân dân vùng đất Bình Thạnh ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có những hy sinh, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.𐄂


Lãnh đạo quận trong một dịp thăm viếng đình Cầu Sơn
Lãnh đạo quận trong một dịp thăm viếng đình Cầu Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài viết nổi bật

Bình Thạnh - 45 năm xây dựng và phát triển

              • PHÚC AN             Qua quá trình 45 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu kinh tế tại quận Bình Thạnh có sự chuyển dịch, thay ...

Bài viết phổ biến